Tuesday, April 14, 2009

Những người đi xuyên tâm bão

Tất cả cổ phiếu tôi đang sở hữu đều tăng trần. Thầm nghĩ "ở đây có nhiều chuyện hay đấy", vậy là tôi không nhìn vào bảng điện tử nữa mà bắt đầu lắng nghe và quan sát...

Lần đầu tiên tôi đến sàn vào cuối năm 2008 để mở tài khoản giao dịch, lần thứ hai đúng ngày 3/4/2009 vào sàn cầm cố chứng khoán để mua tiếp vì TTCK đang lên. Tôi luôn giao dịch một mình và hoàn toàn qua nhân viên giao dịch bằng điện thoại, Internet.

Trong cơn bão tài chính toàn cầu, tôi vẫn chỉ tự xoay xở một mình để "lao vào tâm bão" với ý nghĩ, muốn nghiên cứu bão thì phải "đi xuyên qua chúng". Và tôi đã góp 1 tỷ đồng bốc hơi cho chuyến đi ấy…

Sáng 3/4, tại sàn SBS tại TP. HCM với tôi là một buổi sáng thật khó quên. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là các nam, nữ nhân viên trẻ đẹp mặc đồng phục chỉn chu, đi lại tất bật, vội vã.

Bảng điện tử rất lớn được bật lên, hai ti vi cỡ lớn phát sóng chương trình tài chính, chứng khoán INFOTV và Bloomberg, máy lạnh chạy rè rè mát rượi, các NĐT ăn mặc trang trọng, thơm phức, lần lượt bước vào ngồi kín các dãy ghế được xếp ngay ngắn từ trước… Thật ấn tượng và đáng khâm phục.

Khoảng hơn 8h, tôi hoàn tất thủ tục ứng một khoản tiền khá lớn và đặt lệnh mua ngay, mặc dù còn 15 phút nữa mới đến giờ giao dịch. Khi lệnh đã lên sàn, có hai cô nhân viên đi ngang nói: "Hôm nay bán đi, đỏ sàn đó", cả hai cùng đồng ý sẽ bán.

Đang bâng khuâng tự hỏi, "sao lại bán nhỉ ?", thì cách tôi không xa, hai phụ nữ trao đổi với nhau: "Bán đi bà ơi, người ta bán hết rồi, bán đi rồi từ từ mua lại, xuống mạnh đó, ừ ừ bán bán…". Những câu nói này như dội nước lạnh vào tôi…

Nhưng mở sàn tất cả cổ phiếu tôi đang sở hữu đều tăng trần. Thầm nghĩ "ở đây có nhiều chuyện hay đấy", vậy là tôi không nhìn vào bảng điện tử nữa mà bắt đầu lắng nghe và quan sát. Kết thúc phiên giao dịch, tôi nghe đến hơn 10 tiếng thở dài tiếc nuối: "Bán sớm quá, bây giờ lại không dám mua vô"...

Nhìn thấy hai người đàn ông lớn tuổi cũng than vì bán sớm, tôi kêu lại làm quen: Bán rồi sao anh không mua lại? T+3 anh ơi, Tuần sau đỏ sàn đó. Tôi nói: các anh không mua lại ngay bây giờ là sai lầm! Vì sao lại sai lầm?

Tâm bão tài chính

Thứ nhất, trước tiên tôi suy nghĩ về nền kinh tế nước Mỹ, vì đây là trung tâm của dư chấn. Nước Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất, cũng là nền kinh tế có độ minh bạch cao.

Tất cả các chỉ số quan trọng nhất của nước Mỹ đều được cập nhật công bố theo tuần: mức tiêu thụ, tích lũy xăng dầu; chỉ số nhà mới khởi công, đơn đặt hàng lâu bền; số lượng người bị thất nghiệp hoặc người tìm được việc làm mới, sức mua của thị trường…

Sau một thời gian toàn màu xám thì nay, nền kinh tế Mỹ đã có gam màu sáng. Chỉ có chỉ số việc làm là chưa sáng sủa. Như vậy, niềm tin đã trở lại với các NĐT.

Thứ hai, hệ thống chủ nghĩa tư bản nói chung và nước Mỹ nói riêng luôn tôn sùng tư tưởng: thị trường tự điều chỉnh, nhưng thực tế chứng minh trong đợt suy thoái vừa qua, khi sự tích tụ tư bản quá lớn, chính lòng tham con người đẩy thị trường tài chính đến bờ vực mất kiểm soát.

Hiện nay, hệ thống tài chính Mỹ có thay đổi. Đây là sự thay đổi lớn nhất, tác động mạnh nhất làm an lòng các NĐT tài chính, giúp TTCK hồi phục mạnh mẽ.

Thứ ba, Tổng thống Brack Obama và Chính phủ của ông dám tung ra những quyết sách mạnh mẽ nhất để cứu nền kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái. Trong thực tế, điều này đem lại niềm tin mạnh cho NĐT.

Thứ tư, việc G20 lập ngân quỹ đến 1.100 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu các nền kinh tế đang lâm nạn làm hài lòng ông chủ Nhà trắng, làm mát lòng các NĐT toàn cầu.

Như vậy, từ trung tâm của dư chấn, sự yên bình đã trở lại, điểm sáng đã xuất hiện, TTCK đã hồi phục. Sự lên điểm của thị trường Mỹ là tăng trưởng khách quan.

TTCK Việt Nam

Việt Nam là 1/12 quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương trong quý I/2009 (3,1%) - quý trung tâm của hậu quả cơn bão tài chính. Như vậy, có căn cứ để nói trong năm 2009 mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 5 - 6%. TTCK Việt Nam khởi sắc là xuất phát từ quy luật khách quan.

Hai là, TTCK là biểu hiện thực tại của nền kinh tế. Vậy tại sao các NĐT của chúng ta bán tháo như vậy? Phải chăng, chúng ta đã tự hạ thấp mình khi đánh giá về nền kinh tế của mình. Kết quả là hàng loạt mã chứng khoán giảm giá đến mức "nhìn, thương luôn".

Người ta gọi đó là kiểu kinh doanh "nhìn lên trời" (nghĩa là phía trước có vài người đứng giữa đường nhìn lên trời là những người đến sau cũng nhìn lên trời). Rõ ràng, phản ứng của các NĐT trong nước là thái quá.

Điều đặc biệt nữa là từ tháng 9/2008 đến tháng 2/2009, trên thị trường bình quân luôn có 1.000 NĐT vẫn bám trụ trên cả hai sàn, mỗi phiên giao dịch khoảng trên dưới 50 tỷ đồng.

Họ là ai? Họ ở lại trong sàn để làm gì? Bây giờ họ đang ở đâu? Tôi gọi họ là những người "đi xuyên qua tâm bão".

Chắc chắn bây giờ họ là lực lượng chính đang dẫn dắt TTCK. Vì hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ "tính cách" của từng mã chứng khoán, hiểu TTCK Việt Nam.

Những người "đi xuyên qua tâm bão" là ai? Họ là những người hiểu nền kinh tế Việt Nam không "sập tiệm", vì căn bản chúng ta xuất khẩu những thứ thiết yếu cho cuộc sống con người như: ăn, uống, mặc, ở thiết thực hằng ngày nên kinh tế của chúng ta trụ được trước giông bão.

Việc vài ngày tới thị trường sẽ có phiên điều chỉnh là bình thường, nhưng tinh tế một chút NĐT sẽ thấy những cổ phiếu mạnh chỉ giảm nhẹ rồi lại tăng trần, rồi điều chỉnh nhẹ 1 - 2 rồi lại tiến lên. Chúng sẽ mạnh mẽ đến khi kéo cả thị trường đi lên mới dừng lại.

Do chúng ta đang sống trong thời khắc đặc biệt của TTCK, sự thay đổi tư duy là cần thiết. Những suy nghĩ hàn lâm, kinh viện về TTCK đôi khi không đúng. Trong thực tế, thị trường đang chuyển động rất nhanh. Phương thức mua - bán theo kiểu "nhìn lên trời" cần phải thay đổi.

Theo Lê Hoài Phương
ĐTCK

No comments:

Post a Comment