Thông thường, khi một công ty hoàn toàn chấm dứt hoạt động vì phá sản, hội đồng thanh lý sẽ được lập ra để bán tài sản, trả nợ cho các chủ nợ và vốn cho nhà đầu tư. Nhưng theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ thì khác, mặc dù tuyên bố phá sản nhưng công ty vẫn tiếp tục được hoạt động.
Công ty có thời gian để tái cấu trúc hoạt động mà không phải lo lắng đến việc trả nợ. Vì thế, khi một công ty nộp đơn xin phá sản theo chương 11, người ta còn gọi là xin bảo hộ phá sản, tức công ty được bảo hộ khỏi sức ép trả nợ.
Có những trường hợp công ty đã thành công khi tái cấu trúc hoạt động, làm ăn sinh lời trở lại, nhưng cũng có trường hợp "vô phương cứu chữa" đành phải chịu kết liễu. Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ được thông qua vào năm 1978 và có hiệu lực vào tháng 10/1979, khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, giúp nền kinh tế thích ứng với sự thay đổi theo thời đại và cho các nhà quản trị cơ hội để khắc phục những sai lầm trong quá khứ.
Thậm chí có người còn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không hùng mạnh như ngày hôm nay nếu không có điều luật này.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phá sản theo chương 11. Chỉ có những doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính nhưng được đánh giá là có khả năng phục hồi nếu các khoản nợ giảm xuống hoặc được hoãn trả mới được xem xét.
(CafeF)
No comments:
Post a Comment